Chúng ta thực hành ăn uống theo trực giác như thế nào?
- NKT
- May 2, 2022
- 4 min read
Updated: Nov 13, 2022
Đọc bài viết trên trang blog mới của mình:
Phần 1: ĂN UỐNG THEO TRỰC GIÁC - Loại bỏ các chế độ ăn kiêng và có một mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn

Ăn uống theo trực giác có thể không dễ dàng với nhiều người. Khi còn nhỏ, chúng ta khóc khi đói và không chịu ăn nữa khi no rồi, nhưng khi lớn lên, vì nhiều lý do (do phải học tập, làm việc,...), chúng ta học được cách phớt lờ những dấu hiệu và bản năng tự nhiên của cơ thể. Chúng ta cũng học được rằng thực phẩm này là “tốt” và thực phẩm này là “không tốt”, gây ra cho chúng ta cảm giác tội lỗi khi ăn những thực phẩm “không tốt” đó. Dưới đây là một số tips giúp chúng ta trở thành một người ăn uống theo trực giác hơn:
Bỏ theo dõi các tài khoản mạng xã hội Đó là các tài khoản mạng xã hội khuyến khích ăn kiêng, nói rằng chúng ta không nên ăn gì và nên ăn gì, hoặc các tài khoản làm chúng ta cảm thấy tiêu cực về bản thân.
Thử đánh giá mức độ đói hay no của bản thân Chúng ta xếp hạng mức độ đói cũng mình trên thang điểm 1 đến 10 trước và sau bữa ăn. Nói chung, chúng ta nên bắt đầu ăn từ mức 3-4 (khi chúng ta bắt đầu đói và bụng bắt đầu kêu một tí) và ngừng ăn ở mức 6-7 (khi đã no thoải mái và có thể không ăn trong vòng 2-4 tiếng tiếp theo). Nếu chúng ta bắt đầu ăn khi đã cảm thấy rất đói, có thể dẫn đến việc chúng ta sẽ ăn quá nhanh và quá nhiều. Ngoài ra nếu tiếp tục ăn sau khi đã no thì có thể dẫn đến khó chịu ở bụng.
Để ý đến những cảm xúc của bản thân Đôi khi chúng ta ăn vì chúng ta buồn/ căng thẳng/ chán/... chứ không hẳn bởi vì chúng ta đói. Thay vì ăn, hãy chăm sóc tâm hồn và thể chất của chúng ta (thiền, tập thể dục, tập yoga, viết nhật ký, kết nối với thiên nhiên, giãn cơ,...) hay tìm sự thỏa mãn ở một sở thích, học một điều gì đó mới, kết nối với gia đình và bạn bè.
Cho phép bản thân ăn những gì chúng ta muốn Thay vì không mua hay để đồ ngọt ở trong nhà, chúng ta hãy cứ mua và tích trữ chúng. Khi chúng ta không cho phép bản thân ăn chúng, chúng ta sẽ càng thèm, nhưng khi đã ăn đủ, chúng ta sẽ thèm những thực phẩm khác.
Lắng nghe cơ thể Hãy dành một chút thời gian trước, trong và sau khi ăn để hỏi bản thân. Trước khi ăn chúng ta có thể uống một cốc nước để chắc rằng cảm giác chúng ta thấy không phải là khát nước hay buồn chán hay lo lắng. Trong khi ăn, chúng ta hãy tận hưởng đồ ăn, thưởng thức mùi vị của thực phẩm, hạn chế những thứ có thể gây xao nhãng như tivi, điện thoại, hít thở giữa những lần cắn thức ăn. Ăn chậm cho phép cơ thể có thời gian tiêu hóa và gửi tín hiệu đến não để chúng ta biết khi nào chúng ta đã no. Sau khi ăn, chúng ta đánh giá xem chúng ta cảm thấy như thế nào? Mình có thỏa mãn với bữa ăn vừa rồi không? Nếu không, chúng ta có thể thử những cách ở mục số 3.
Tóm lại,
Ăn uống theo trực giác hoàn toàn không phải là một chế độ ăn kiêng mà là một chế độ ăn giúp bạn nhận thức rõ hơn và hài lòng hơn với cơ thể của mình. Không chỉ thế, ăn theo trực giác đề cao việc tiếp cận lối sống lành mạnh một cách toàn diện hơn. Chính những nguyên tắc nghiêm khắc của việc ăn kiêng khiến bạn dễ thất bại và căng thẳng tinh thần hơn. Một khi bạn thoải mái, vui vẻ mới có thể tỏa ra năng lượng tích cực và điều này có thể bắt đầu từ việc tận hưởng thức ăn. Chính vì thế, ăn uống theo trực giác là một quá trình lâu dài chứ không phải là một biện pháp tức thời.
Tuy nhiên, chế độ ăn trực giác hay bất kỳ chế độ ăn nào cũng không thể hiệu quả và phù hợp với tất cả mọi người. Nó chỉ là một trong những cách tiếp cận lối sống khoa học. Nếu nó hiệu quả với bạn, hãy tiếp tục áp dụng. Hoặc nếu bạn cảm thấy hứng thú, bạn luôn có thể thử và trải nghiệm.
Comments