10 nguyên tắc của ăn uống theo trực giác
- NKT
- Apr 3, 2022
- 4 min read
Updated: Nov 13, 2022
Đọc bài viết trên trang blog mới của mình:
Nói “không” với tâm lý ăn kiêng Mọi người thường ăn kiêng để giảm cân, nhưng sau khi tốn rất nhiều công sức để giảm cân thì dần dần lại tăng cân lại. Văn hóa ăn kiêng cũng quảng bá việc thực phẩm này “tốt” hay “xấu”, làm ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta. Vì vậy, bước đầu tiên để ăn uống theo trực giác là từ bỏ tâm lý ăn kiêng.
Làm hài lòng những cơn đói Khi chúng ta đói, cảm giác thèm ăn những thực phẩm giàu calo bắt đầu xuất hiện, vì vậy, hãy lắng nghe cơ thể và ăn khi bạn bắt đầu cảm thấy đói.
Chung sống hòa thuận với thực phẩm Thức ăn cung cấp năng lượng cho chúng ta, các bữa ăn cũng là để gắn kết chúng ta với gia đình và bạn bè, nhờ đó mang lại cho chúng ta hạnh phúc, niềm vui và sự hài lòng. Vì thế, thay vì nghĩ thực phẩm là “tốt” hay “xấu”, chúng ta có thể nghĩ rằng thực phẩm ăn “hàng ngày” hay “thỉnh thoảng” mới ăn. Đừng cảm thấy tội lỗi khi bạn ăn những thực phẩm không chứa nhiều dinh dưỡng và nhiều calo hơn những thực phẩm khác.
Học cách bỏ ngoài tai Nếu bản thân bạn hay những người xung quanh bạn nói với bạn rằng “ăn món này xong phải phải tập thể dục đó” này hoặc “đồ ăn kia mới tốt”, vô hình trung khiến bạn cảm thấy áp lực mỗi khi thưởng thức món ăn nào đó. Vì vậy, hãy bỏ qua những lời nói như vậy, giảnh lại sự kiểm soát các lựa chọn thực phẩm của bản thân và tận hưởng các món ăn với tinh thần tích cực.
Khám phá yếu tố dẫn tới sự thỏa mãn Giả sử bạn thèm ăn kem, nhưng bạn lại nghĩ không nên ăn kem, sẽ béo đó, thay vào đó bạn ăn một quả cam, sau đó cơn thèm vẫn còn, bạn lại ăn một chiếc bánh quy. Mội vài tiếng sau, cơn thèm vẫn còn, và bạn không nhịn được nữa, cuối cùng bạn cũng vẫn ăn kem, và ăn xong bạn lại cảm thấy tội lỗi vì không thể kiểm soát được. Chẳng phải tốt hơn khi ngay từ đầu bạn ăn những gì bạn muốn và cảm thụ niềm thỏa mãn, vui sướng khi được ăn ngon hay sao? Với tâm lý này, cơ thể bạn sẽ ra tín hiệu “tôi thỏa mãn rồi, cám ơn bạn nhé, mình ngừng ở đây thôi”, từ đó tạo ra một mối quan hệ lành mạnh hơn giữa bạn và thức ăn.
Biết điểm dừng Hãy ăn từ từ, cho phép cơ thể bạn được nhận ra và tiêu hóa thức ăn, sau đó lắng nghe cơ thể và dừng ăn nếu bạn đã thấy no.
Đối diện với cảm xúc của bạn Hãy nhận ra rằng việc kiểm soát ăn uống sẽ có thể kích hoạt những cảm xúc tiêu cực và ăn uống giúp chúng ta phân tâm khỏi một số cảm giác nhất định nhưng không giúp giải quyết các cảm xúc tiêu cực của chúng ta, vì vậy, hãy dùng các cách lành mạnh để vượt qua những tiêu cực trong cuộc sống thay vì việc ăn theo cảm xúc.
Tôn trọng cơ thể của bạn Dù bạn béo hay gầy, cao hay thấp, cơ thể bạn cũng giúp trái tim bạn đập, giúp mang oxy đến phổi, giúp chúng ta được yêu thương, được thấy ấm áp và được ngửi mùi thức ăn ngon, cơ thể chúng ta làm mọi thứ cho chúng ta, cho nên hãy cứ thoải mái và yêu thương cơ thể của bạn, miễn là bạn vẫn cảm thấy khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nghĩ khác đi về vận động Đừng chỉ coi vận động là một cách giúp bạn đốt cháy calo và giảm cân. Thay vào đó, bạn hãy tập trung nghĩ về cảm giác mỗi khi tập thể dục thay vì số calo bạn đã đốt cháy được. Khi đó bạn sẽ tìm ra những hoạt động thể chất mà bạn yêu thích, từ đó dễ dàng thực hiện chúng thường xuyên hơn, thay vì phải theo một kế hoạch thể dục bị ép buộc.
Trân trọng sức khỏe của mình Chúng ta là con người nên chúng ta không hoàn hảo, cho nên ăn uống lành mạnh cũng không có nghĩa là ăn uống hoàn hảo. Một bữa ăn lành mạnh giúp chúng ta khỏe mạnh và một bữa ăn không lành mạnh bằng cũng không thể làm cho chúng ta không khỏe mạnh. Vì thế, hãy tập trung vào cả quá trình, ưu tiên lựa chọn thực phẩm bạn cảm thấy tốt cho bản thân và sức khỏe của mình nhưng cũng đừng để một bữa ăn chính hay ăn vặt ảnh hưởng đến tâm lý của chúng ta.
Phần tiếp theo: Chúng ta thực hành ăn uống theo trực giác như thế nào?
Comments